Làm gì với tệ nạn làm bằng giả, đối tượng thu nhập hàng tỉ đồng
Bán bằng giả thu hàng tỉ đồng
Nhận thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 chính quy tiếng Anh, từ tháng 4-2018 đến 3-2019, lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô cùng cấp dưới đã cấp 429 văn bằng và 2 giấy chứng nhận giả. Trong số người được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng đại học và chứng nhận giả, có 67 người dùng các loại giấy tờ này để làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê khai hồ sơ, thi công chức hoặc thi thăng hạng. Với hành vi này, cựu hiệu trưởng, hiệu phó cùng hàng loạt cán bộ của Trường Đại học Đông Đô vừa nhận mức án từ 12 tháng tù cho hưởng án treo đến 12 năm tù giam.
Vào tháng 9-2021, qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện 20 giáo viên tại Đắk Lắk sử dụng bằng giả và 20 trường hợp sử dụng bằng cao đẳng, đại học chưa hợp lệ. Do muốn có việc làm với thu nhập ổn định, những người sử dụng bằng giả đã liên hệ nhờ người làm giả bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó, nộp hồ sơ xin lên cấp học cao hơn rồi lấy bằng đi tìm việc làm. Trong số này, những người vi phạm chủ yếu là giáo viên đang dạy học tại các trường trên địa bàn huyện. Theo lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk, những người sử dụng bằng giả, bằng không hợp lệ đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan, tổ chức nhà nước; gây bất công bằng trong cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công việc.
- Tệ nạn bằng giả nhức nhối “xã hội” việc không của riêng ai, dẹp như thế nào?
- Câu chuyện bất ngờ đằng sau việc thăng chức dùng bằng cấp giả
Phiên tòa xét xử vụ án Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, ngày 23-12-2021 Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Trước đó, UBND TP Buôn Ma Thuột cũng đã có quyết định buộc thôi việc, xử phạt hành chính người mới học hết lớp 8 nhưng mượn bằng cấp III của người khác rồi “mượn tên” người này đi học và đi dạy suốt 25 năm nay tại một trường THCS. Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, bà Lê Thị Ngọc Châu tên thật Lê Thị Nga, sinh ngày 12-5-1975 (quê quán xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), trình độ 8/12 đã mượn bằng tốt nghiệp THPT của bà Lê Thị Ngọc Châu để đi học trung cấp, cao đẳng, đại học và xin việc làm (đi dạy) dưới tên của bà Châu suốt 25 năm tại Đắk Lắk.
Hồi tháng 2-2021, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an phối hợp với Công an TP HCM cũng đã triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức với số lượng cực lớn. Tang vật làm giả gồm 3.600 phôi bằng các loại (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, THPT), 110 học bạ, 1.300 con dấu cao su, 1.800 miếng dán phôi các loại, 2.505 tem chống giả, 340 bảng điểm, 200 bản sao tốt nghiệp các loại, 195 văn bằng các loại, 115 chứng chỉ các loại… Đáng chú ý, trong số bằng cấp, chứng chỉ giả thu giữ được, công an phát hiện nhiều bằng bác sĩ y khoa, đại học sư phạm đã được in sẵn tên, chưa kịp chuyển cho người mua.
Tháng 10-2020, tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, các ông Lê Văn Hồng và Phan Văn Luân đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để tham gia xét tuyển, học tập trong lực lượng công an và kê khai trong hồ sơ cán bộ, hồ sơ đảng viên. Hai người này đều là đảng viên Chi bộ CSGT, Đảng bộ Công an huyện. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Than Uyên, tỉnh Lai Châu cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Hoàng Mạnh Hà – đảng viên Chi bộ Cảnh sát hình sự, Đảng bộ Công an huyện Than Uyên – do vi phạm rất nghiêm trọng trong thực hiện quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ…
Xem thêm