Thu giữ hàng chục nghìn bằng giả
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, từ tháng 1.2016, Phòng 4- Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) – Bộ Công an phát hiện Lê Tấn Cường (30 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) và Nguyễn Anh Tuấn (32 tuổi ngụ tỉnh Đồng Nai) lôi kéo các nghi can ở TP.HCM và một số tỉnh khác mở nhiều trang web, trang Facebook đăng quảng cáo nhận làm tất cả các loại bằng cấp giả nên lên kế hoạch phá án.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 13.4, hàng chục trinh sát của C45 chia làm 9 mũi ập vào nơi các nghi can làm bằng giả tại TP.HCM, Đồng Nai, Bến Tre và khám xét nơi ở của các đối tượng. Sau khi khám xét, công an thu giữ được hàng chục máy in, máy scan để làm bằng giả; vài chục nghìn con dấu, phôi bằng và bằng giả đã được làm xong, như: bằng thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ tin học, tiếng anh; thẻ ngân hàng có hơn tỉ đồng và hàng trăm triệu đồng tiền mặt…
Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, Cường là nghi can cầm đầu đường dây và là “đầu nậu” sản xuất bằng giả từ Bắc vào Nam. Cường chuyên thuê các nghi can khác sản xuất, môi giới, mua bán bằng cấp, tài liệu giả. Nếu khách hàng có yêu cầu làm bằng giả, Cường sẽ nhận, chỉ đạo các nghi can khác sản xuất bằng và giao cho khách.
Cường chọn căn hộ ở chung cư C6, Khu công nghệ cao (Q.9) làm nơi sản xuất bằng giả. Sau khi bán bằng, đàn em của Cường sẽ đi giao và lấy tiền mặt.
Đối với khách hàng ở các tỉnh, Cường buộc khách trả tiền qua ngân hàng, còn bằng giả sẽ được chuyển phát nhanh.
Trong đường dây này, Lữ Minh Tâm (27 tuổi, ngụ Q.9) và Hồ Thị Thanh Vy (quê TP.Bến Tre) có trách nhiệm lập trang web, tạo tài khoản Facebook, Zalo để rao bán bằng. Trên các trang web và mạng xã hội, các đối tượng sẽ đăng tin về dịch vụ làm bằng với giá rẻ.
Ngoài ra, Lữ Minh Tâm, Lưu Thành Lâm (44 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) và Tạ Xuân Thủy (25 tuổi, ngụ Q.9) cũng có vai trò môi giới, mua bán bằng giả. Cụ thể, Lâm đặt làm bằng giả từ Trần Tư Dũng (45 tuổi, ngụ Hóc Môn) và Cường rồi mang bán cho Long (khách hàng riêng của Lâm).
Mới đây Lâm bị tai nạn đang phải ngồi xe lăn nên chịu trách nhiệm ở nhà nhận hợp đồng đặt làm bằng qua điện thoại, sau đó chuyển thông tin cho Cường hoặc Dũng. Còn các nghi can khác đứng ra nhận thông tin khách hàng, chuyển lại cho những người sản xuất và giao cho khách.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định, mỗi ngày đường dây này nhận làm từ 10 đến 20 loại giấy tờ, bằng cấp; số tiền thu lợi của các đối tượng lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.
Nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình, các đối tượng mở công ty, doanh nghiệp in ấn, doanh nghiệp dịch vụ kinh doanh riêng. Còn Cường mở công ty dịch vụ tư vấn mua bán nhà đất, mua bán điện thoại di động.
Từ “cò mồi” đến ông trùm bằng giả
Tại cơ quan điều tra, Cường khai nhận, đường dây của Cường có riêng các phần mềm thiết kế. Để sản xuất được bằng, phải có các mẫu bằng gốc, sau đó, những bằng nào dễ làm sẽ được các nghi can scan vào máy tính và có thể chỉnh sửa được trên máy. Nhóm này sử dụng các loại máy in bằng màu để in; còn các loại dấu chìm, Cường sẽ mua máy riêng. Riêng phôi bằng được mua từ Trung Quốc, sau đó mang về VN trực tiếp sản xuất bằng và giao cho các đại lý cấp dưới.
Cường từng tốt nghiệp Đại học nghành Công nghệ thông tin. Ban đầu Cường chỉ làm cò mua bán bằng giả cho người khác, nhưng bắt đầu từ cuối năm 2010 thì Cường đầu tư sản xuất bằng giả để bán trên cả nước. Nguyên tắc làm việc của Cường là chỉ bỏ sĩ, không bán lẻ và buộc đồng phạm của mình phải sử dụng tên giả khi làm việc để tránh bị công an phát hiện. Những loại bằng giả do nhóm của Cường làm ra, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt được với bằng thật.
Hiện C45 vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng, bắt thêm các đối tượng liên quan trong vụ án này.
Xem thêm