3 “không” giúp tân cử nhân thoát khỏi thất nghiệp

0
Share

Hiện nay, cứ mỗi năm, hàng trăm ngàn cử nhân tốt nghiệp ra trường có nguy cơ đối mặt với nỗi lo thất nghiệp. Và con số này ngày càng gia tăng. Tại sao lại như thế? Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời, liệu bạn có muốn phải đi vào bế tắc hay không?

1. Không bỏ qua giai đoạn thực tập

Theo quy định ở nhiều trường, sinh viên năm cuối sẽ phải trải qua kỳ thực tập nhưng hầu như các bạn đang xem nhẹ, hời hợt với việc này và chỉ làm cho có hình thức. Chính vì thế nhiều bạn đã bỏ qua cơ hội học việc, áp dụng những điều đã học vào công việc của mình. Việc thực tập là vô cùng cần thiết.

Vì đó là cơ hội hoàn toàn miễn phí, thậm chí là rất tốt để một người “chân ướt chân ráo” bắt đầu tiếp xúc với môi trường công sở, cọ xác với thế giới lần đầu. Đây cũng chính là dịp để bạn mỗi sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, trải nghiệm một cuộc sống mới và học hỏi từ những đàn anh/đàn chị.

Sinh viên có thể chủ động liên hệ với các công ty hoặc bộ phận nhân sự của công ty nơi mình cảm thấy phù hợp để xin thực tập tại đó. Và các bạn nên có kế hoạch trước khi đến công ty thực tập để quan sát, học hỏi những người có kinh nghiệm trong nghề cũng như nắm rõ đặc điểm của môi trường làm việc. Việc được nhà trường giới thiệu là một lợi thế, hoặc tự mình tìm kiếm công ty thực tập sẽ khiến bạn chủ động hơn. Nhiều công ty không yêu cầu cao ở một sinh viên thực tập, do đó cơ hội để bạn bước chân vào công ty họ càng rộng mở hơn.

Ngoài ra, việc có nền tảng là một sinh viên thực tập tại một công ty nào đó sẽ giúp bạn dễ dàng trở thành nhân viên chính thức nếu như bạn thể hiện tốt trong khoảng thời gian thực tập. Một quyết định mà có lợi đôi đường. Do đó, đừng xem nhẹ thời gian thực tập, hãy biến nó trở thành khoảng thời gian hữu ích nhất phục vụ cho tương lai sự nghiệp của bạn sau này,

2. Không bị động hay lo lắng thái quá

Có một thực tế là hiện nay sinh viên thiếu sự chuẩn bị chu đáo cho ngành nghề mình muốn làm, chỉ thụ động trông chờ vào nhà trường và doanh nghiệp “dâng tận miệng”. Muốn có việc làm tốt, phải chủ động tự học hỏi, tìm hiểu thông tin qua các kênh báo chí, internet, và những người đi trước có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đừng cứ luôn để mình trong tâm trạng lo lắng, với câu hỏi: “Liệu ra trường có xin được việc không?”. Thay vì suốt ngày nghĩ ngợi, hoang mang, hãy tự nâng cao kiến thức của bản thân, rèn luyện, trau dồi các kỹ năng mềm…Những điều này sẽ có ích hơn rất nhiều trong quá trình xin việc trong tương lai.

Sự chủ động thể hiện ở việc, bạn tìm kiếm cho mình cơ hội để trải nghiệm. Có rất nhiều đầu việc trên thị trường ngày nay không cần thiết sinh viên phải làm full-time và không yêu cầu kinh nghiệm. Đây chính là cơ hội để bạn vừa kiếm tiền lại vừa trau dồi thêm cho mình kiến thức, trải nghiệm thực tế dễ dàng và thuận lợi. Đầu tư cho tương lai sự nghiệp chưa bao giờ là một đầu tư thừa thải cho dù bạn phải đánh giá rất nhiều điều. Do đó, đừng ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân mình. Bức phá và trở nên năng động hơn là điều mà người trẻ trong cuộc sống hội nhập cần phải làm.

3. Không ảo tưởng và lười biếng

Đừng vội tự tin khi bạn có kết quả học tập tốt, bảng điểm đẹp với tấm bằng hạng cao. Điều này nhiều khi dẫn đến thái độ tự tin “quá đà” mà quên mất rằng lý thuyết chỉ mãi là lý thuyết nếu bạn không vận dụng nó vào thực tiễn. Rất nhiều nhà tuyển dụng ngày nay không quan tâm nhiều đến tấm bằng của bạn, cái họ quan tâm là bạn đã làm được những gì, thái độ của bạn ra sao và bạn sẵn sàng như thế nào trước vị trí ứng tuyển. Và trong quá trình làm việc ngoài kiến thức bạn cũng cần phải linh hoạt, phát triển kĩ năng mềm nữa. Do đó, đừng vội ỷ vào những kiến thức mà mình đã học, tự tin về ngôi trường mình đã tốt nghiệp… nhà tuyển dụng đánh giá nhân sự ở khả năng thực tế, hiệu quả công việc chứ không phải những tấm bằng, chứng chỉ đang được xếp ở kho hồ sơ.

Và sau cùng, nếu muốn có cho mình một công việc tốt, ổn định lâu dài thì bạn phải tránh xa căn bệnh “lười biếng”. Trong quá trình học tập cũng như làm việc, tân cử nhân cần phải chủ động học hỏi, nâng cao kỹ năng cho bản thân để thích nghi với môi trường công việc. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ điều gì. Bản thân không chiến thắng được sự lười biếng, ỷ lại của chính mình thì bạn sẽ thua cuộc ở mọi mặt trận chứ không riêng gì vấn đề tìm kiếm việc làm.

Câu nói “Học, học nữa, học mãi” chưa bao giờ lỗi thời cho dù thời thế thay đổi điên cuồng. Nếu bạn là tân sinh viên, đừng bao giờ tự nghĩ rằng việc học đã chấm dứt ngay từ khi tung chiếc mũ tốt nghiệp lên trời. Hoàn thiện bản thân, học hỏi không ngừng mới chính là cách để giúp bạn đi đến cái đích vinh quang nhanh hơn.

Nguồn : Timviecnhanhh

Related Posts